New Amsterdam - là một bộ phim chính kịch về nghành Y do NBC sản xuất. Phim dựa trên cuốn sách Twelve Patients: Life and Death at Bellevue Hospital được viết bởi Eric Manheimer - một bác sĩ có rất nhiều năm kinh nghiệm, và đã cứu sống hàng ngàn bệnh nhân.
Toàn bộ chi tiết về việc điều trị bệnh nhân, đã được bác sĩ ghi chép tỉ mỉ trong 150 cuốn sổ. Và có lẽ nhờ 150 cuốn sổ đó, mà các chi tiết y khoa trong bộ phim hết sức tỉ mỉ, đầy tính chuyên ngành và đặc biệt sâu sắc đầy tính lôi cuốn.
Bộ phim mở đầu bằng cảnh: một chàng trai cao lớn khỏe mạnh, chạy thể dục băng qua các con phố trên những cây cầu với đầy sức sống và sự dẻo dai, và rồi anh khẽ ho nhẹ vì cảm giác có gì đó mắc ở cổ họng. Đó chính là triệu chứng đầu tiên của bệnh ung thư tế bào vẩy của anh. Chàng trai đó chính là nhân vật chính của phim - Tiến sĩ Max Goodwin do diễn viên Ryan Eggold thủ vai.
Cảnh tiếp theo cực kỳ ấn tượng, với cách chàng cho nhân viên thôi việc. Dr. Max Goodwin bước vào căn phòng đã có sẵn hàng trăm người đợi - đó chính là những nhân viên của anh - và đây chính là buổi gặp đầu tiên của anh - với tư cách là Giám Đốc Y Khoa với các bác sĩ trưởng khoa trong viện.
Chàng đã kể một câu chuyện ngắn gọn về bản thân đại khái như sau: tôi và em gái tôi đã sinh ra tại đây, và tôi muốn quay lại đây để làm việc và cống hiến. Rồi câu hỏi tiếp theo là "Theo bạn tôi sẽ giúp gì được bạn". Cả khán phòng im phăng phắc, không một cánh tay dơ lên. Chàng làm rõ ý hơn bằng câu hỏi khác: "Theo bạn tôi có thể giúp gì được bạn để bạn có thể GIÚP BỆNH NHÂN TỐT HƠN".
Tất cả lại chìm trong im lặng ... Và câu hỏi tiếp theo là: "Ai là bác sỹ khoa tim mạch?". Lác đác vài cánh tay dơ lên.. và rồi Goodwin nói "Các bạn đã bị sa thải". Lý do là các bạn không nghĩ được gì để cải tiến để tốt cho bệnh nhân thì các bạn đáng bị sa thải. Và sau đó là một loạt phát kiến cũng như hành động được thực hiện của Goodwin để tái cấu trúc lại bệnh viện với mục đích "TẤT CẢ VÌ BỆNH NHÂN".
Cảnh sa thải nhân viên - là cảnh phải nói là CỰC KỲ ẤN TƯỢNG đối với mình. Nó đã cuốn mình đi theo bộ phim từ đầu tới tập cuối với những giọt nước mắt lăn tròn trên má =))
Tại sao mình lại ấn tượng với cảnh đó, là vì câu nói "Tất cả vì bệnh nhân, đặt bệnh nhân lên hàng đầu". Điều đó, hoàn toàn trùng khớp với tiêu chí của mình trong nghề Giáo "Tất cả vì sinh viên thân yêu". Nếu nói điều này với ai đó, hẳn có thể họ nghĩ mình sáo rỗng hoặc thậm chí họ nghĩ mình nói dối và bày đặt :D nên mình chả bao giờ nói điều này với ai. Mình chỉ luôn tâm nguyện trong lòng vậy thôi: Tất cả vì sinh viên thân yêu <3
Những bác sĩ trong phim không chỉ là bác sĩ chữa bệnh cho bệnh nhân, mà còn dùng hết khả năng của mình để tìm cách giúp bệnh nhân khắc phục khó khăn về kinh tế để có tiền chữa bệnh. Những bác sĩ luôn miệt mài không kể giờ giấc, hết lòng vì sự sống của bệnh nhân. Họ đúng là những anh hùng thực sự. Khi xem phim, mình thấy cực kỳ kính phục và yêu quý họ "những chiến sĩ áo trắng thầm lặng quả cảm".
Bộ phim là một bản trường ca về lòng yêu nghề, yêu người. Qua bộ phim ta sẽ thấy, ai cũng nên chọn cho mình một công việc để yêu để dấn thân và để hết lòng vì nó. Mình may mắn đã tìm ra nghề mình thực sự yêu thực sự dấn thân đó chính là "nghề dạy lập trình" :) Mình sẽ cố gắng hết sức mình, để giúp được nhiều sinh viên nhất có thể! Mỗi sinh viên trưởng thành, chính là một niềm hạnh phúc vô bờ bến của giáo viên!
Ngoài những chi tiết về việc làm nghề, trong phim còn là câu chuyện giữa sự sống và cái chết. Ranh giới giữa sự sống và cái chết đôi khi rất mong manh. Và khi xem phim, ta thấy nhiều nhiều sự mong manh đó, do đó ta sẽ càng trân trọng cuộc sống này hơn. Viết tới đây, ta bỗng nhớ tới một câu thơ nổi tiếng của Kahlil Gibran
Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương
New Amsterdam là một bộ phim tuyệt vời để khiến con người ta trân trọng hơn cuộc sống này và có cảm hứng để sống tốt hơn nữa mỗi ngày <3
Giới thiệu thêm về tác giả cuốn sách
Eric Manheimer, M.D. đã là Giám đốc Y tế tại Bellevue hơn mười ba năm và là Giáo sư Lâm sàng tại Trường Y Đại học New York. Ông là Bác sĩ Nội khoa được đào tạo tại Bệnh viện Quận Kings ở Brooklyn, New York về Nội khoa. Sau đó, ông chuyển đến Hanover, New Hampshire, nơi ông là thành viên của Trường Y Dartmouth và Phòng khám Hitchcock trong nhiều năm.
Ông đã có một thời gian dài quan tâm đến y tế quốc tế làm việc tại Haiti và Pakistan và nhân chủng học y tế, lịch sử, khoa học xã hội và văn học, đặc biệt là ở Mỹ Latinh. Cùng với vợ là Diana Taylor, hiện là Giáo sư Đại học tại Đại học New York, Eric đã đi du lịch nhiều nơi ở Mỹ Latinh và Mexico. Ông có hai con và một cháu, được sinh ra tại Bellevue.
Bàn thêm về câu thơ trích dẫn
Rất nhiều người lầm tưởng rằng câu thơ 'Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ta có thêm ngày nữa để yêu thương' của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhiều tác giả khác.
Tuy nhiên, đây là câu thơ của tác giả Kahlil Gibran (1883-1931), một thi sĩ và họa sĩ người Mỹ gốc Liban. Những câu thơ này được trích trong tập thơ Nhà tiên tri (The Prophet) xuất bản năm 1923, năm 1993 được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dịch lại.
Kahlil Gibran viết rất nhiều tác phẩm do chính Gibran viết bằng tiếng Anh: Nhã ca tình yêu, Ngôn sứ (Kẻ tiên tri), Uyên ương gãy cánh, Trầm trưởng, Bí ẩn trái tim, Giọt lệ và nụ cười, Mật khải, Đôi cánh tư tưởng, Định mệnh thi sĩ & Đám rước, Gương soi linh hồn, Tình yêu tận hiến, Chuyện người phiêu lãng & Cát biển và bọt sóng, Vườn ngôn sứ & Thần linh trần thế, Sương bụi phù hoa, Mây trên đỉnh núi & Kẻ mộng du, Tâm linh toàn mẫn, Tiếng nói bậc tôn sư, Hoài vọng phương Đông, Tiếng vô thanh & Người tình vĩnh cửu....
Câu thơ này được rất nhiều người Việt Nam ưa chuộng, thích thú làm châm ngôn sống. Cũng là một câu slogan hay đầy ý nghĩa dành cho mọi người noi theo. Cảm ơn nghệ sĩ tài ba Kahlil Gibran.
0 Nhận xét